Con bìm bịp
Chuyện kể: Sự Tích Con Bìm Bịp (Dân tộc Chàm)
Thuở trước có một ông thầy đã bốn mươi năm ròng rã ăn chay niệm Phật nơi cửa chùa mà vẫn chưa thành chính quả. Ông ta bèn quyết chí khăn gói ra đi để hỏi Tiên Phật xem tại sao lại như vậy. Ông ta đi mãi, ròng rã đã sáu tháng trời, một đêm nọ đang ở trên một ngọn núi cao, nhìn xuống chân núi ông thấy có ánh đèn le lói, bèn lần theo ánh đèn tới nơi, thì ra đó là một ngôi nhà lẻ loi giữa rừng. Nhà tu hành xin vào nghỉ trọ. Một người đàn bà ra mở cửa, và nói là chồng đi vắng không dám cho đàn ông lạ mặt ngủ trọ.
Vừa lúc đó, ông chồng của bà ta về, trông mặt mũi vô cùng hung ác. Hắn một mực đổ oan cho kẻ lạ mặt có ý sàm sỡ với vợ mình, và đòi giết bằng được nhà tu hành. Nhà tu hành chấp tay kêu oan mà kể lể sự tình cùng gã đàn ông nọ. Nghe xong, gã đàn ông dịu sắc mặt, hỏi người tu hành:
- Ta đây đã giết đến bốn mươi mạng người rồi, đã sát hại nhiều sinh linh quá, không biết còn tu hành chính quả được nữa không?
Nhà tu hành liền an ủi:
- Con người ta tư cốt ở tấm lòng, nếu thực lòng hối cải thì tất là đấng thiêng liêng sẽ biết tới.
Không ngờ vừa nói xong, gã kẻ cướp bèn phanh ngực áo lấy dao moi tim mình đưa cho thầy tu, và nhờ ông ta chuyển tới Tiên Phật, nói xong liền tắt thở. Nhà sư đọc kinh siêu thoát cho gã đàn ông nọ, rồi lại khăn gói lên đường, mang theo quả tim của người vừa chết.
Nhà tu hành rời căn nhà lẻ loi ấy ra đi. Lúc này đang là mùa nóng. Trời nắng như thiêu như đốt. Ngày thứ nhất, quả tim của kẻ xấu số bắt đầu nặng mùi, nhà tu hành vẫn cứ gói kỹ lại mang đi. Ngày thứ hai, quả tim sinh giòi bọ, nhà tu hành vẫn kiên nhẫn mang đi. Đến ngày thứ ba thì mùi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay theo đen kịt. Không thể chịu được nữa, nhà tu hành bèn nghĩ bụng: tu cái gì thằng kẻ cướp ấy, thôi ta quẳng nó vào bụi cho rảnh thân. Thế là nhà tu hành quẳng quả tim nọ vào bụi cây cạnh đường rồi đi tiếp. Đi được một đoạn nhà tu hành gặp một cụ già râu tóc bạc phơ nhưng mặt mày lại phương phi, hồng hào. Nhà tu hành bèn quỳ sụp xuống lạy rồi kể lể bao nhiêu công lao tu hành và đoạn đường vất vả, cùng ý định tới đây của mình. Cụ già đỡ nhà tu hành dậy và phán hỏi:
- Dọc đường có ai gửi gì không?
Lúc này nhà tu hành mới sực tỉnh ngộ, bèn quay lại tìm quả tim mình đã vứt đi.
Tiếc cho số phận mình sắp thành chính quả, nghe theo lời ông già nhà tu hành trở lại loanh quanh tìm hết từ bụi này sang bụi khác và ngày này sang ngày khác mà chẳng thấy quả tim đâu, cứ thế một ngày kia ông ta chết ở bụi rậm và biến thành chim bìm bịp. Màu lông của chim nửa nâu nửa đen giống như chiếc áo của nhà tu hành ngày xưa vậy.
Người ta cho rằng sở dĩ chim bìm bịp cứ hay chui rúc hết bụi cây này sang bụi cây khác là để tìm lại quả tim nọ.
Nguồn: Internet
*********************************************Bìm bịp có tên khoa học: Centropus sinensis là loài chim rất nhạy bén với những biến đổi của môi trường. Do vậy, những năm gần đây, việc thu hẹp môi trường đã làm số lượng cá thể giảm thấy rõ.
Bìm bịp có màu lông giống nhau ở chim trống và chim mái. Lúc nhỏ, toàn thân phủ lông màu nâu chấm đen. Khi trưởng thành, phần đầu mỏ, cổ và ngực cũng như đuôi có màu đen lợt. Mình và hai cánh có màu nâu đỏ. Đôi mắt đỏ au, đôi chân đen bóng.
Ở tuổi trưởng thành, chim trống thường nhỏ hơn chim mái( 8/10). Từ chót mỏ đến chót đuôi dài 35 – 38cm. Mỏ cong dài 3,5cm. Lúc xếp lại cánh dài 16 – 18cm. Đuôi dài 18 – 20cm. Nhìn bên ngoài thân dày 8 – 9cm. Bàn chân bốn ngón sắp xếp đặc trưng cho một số loài chim chuyên ăn rắn, phía trước và sau đối xứng nhau, một cặp ngắn, một cặp dài.
Bìm bịp là loại chim định cư, thích ở bụi rậm, lau sậy um tùm gần sông suối, đầm lầy. Chúng thường dựa vào thủy triều để kiếm ăn, và thường đi từng cặp.
Bìm bịp là loại chim ăn thịt, chúng thích ăn mồi sống và nhất là rắn. Chim con có nhu cầu thức ăn ngày một nhiều, thời gian ở tổ lại khá lâu nên bố mẹ biết dự trữ thức ăn bằng cách bắt rắn về giam lỏng.
Do vậy, mỗi khi tìm thấy tổ bìm bịp là có thể tìm thấy rắn gần đó. Nhưng tại sao rắn không làm hại đến chim con lại là điều bí ẩn! Có ý kiến cho rằng lông và phân bìm bịp quanh tổ có mùi đặc trưng mà hầu hết các loài rắn không dám đến gần.
Một số ít không sợ mùi này thì bìm bịp đã biết và giết chết trước khi đưa về tổ. Như vậy, bìm bịp dự trữ lương thực ở tổ là những loài rắn mà chúng biết chắc sẽ không hại đến con mình. Khả năng diệu kỳ này của bìm bịp chính là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên.
Mùa sinh sản của bìm bịp kéo dài 5 tháng. Những cặp ở bưng biền thường đẻ sớm hơn chim ở đất gò. Mỗi năm bìm bịp đẻ 2 – 3 lứa, thường 1 -2 lứa. Mỗi lứa đẻ từ 2 – 4 trứng thường nở 2 – 3 con. Tổ được lót trong bụi rậm cách mặt đất chừng 1 – 2 m bằng cỏ và lá cây, giống tổ chuột đồng.
Bìm bịp không biết nói nhưng kêu rất to, tính khí lại hung dữ nên có thể nuôi để giữ nhà. Người nuôi muốn thành công, thứ nhất phải nuôi từ chim con và thả tự do như bồ câu, thứ hai phải có thời gian luyện tập.